Thông thường, phụ nữ bước vào tuổi 49-50 thì vào giai đoạn mãn kinh. Tuy nhiên, có người vào lứa tuổi này vẫn còn kinh đúng kỳ đều đặn, như vậy là trạng thái sinh lý bình thường. Nhưng với những người vào độ tuổi này kinh lại thất thường, lúc có lúc không, hết rồi lại có, kéo dài dây dưa đó là dấu hiệu bệnh lý, được gọi là “Kinh nguyệt không mãn” hay còn gọi là “Niên lão kinh thủy phục hành” mà trong y học hiện đại cho đó là hiện tượng “Niêm mạc tử cung quá sản”.
Theo Đông y biện chứng
Đông y cho rằng, chứng bệnh này là tuổi lớn làm cho kinh mạch bị suy yếu, khiến mệt nhọc quá sức dẫn đến tính tình vui giận thất thường, song khí bên ngoài xâm nhập vào làm cảm phải tà khí mà sinh bệnh. Mặt khác, ở tuổi 49-50 trở lên thường thận khí hư yếu, kinh nguyệt kiệt, mạch thái xung giảm, địa đạo không thông, vì vậy làm hết kinh nguyệt. Nếu như cơ thể vốn lại bị khí và âm hư, tà khí phục sẵn bên trong làm cho mạch xung nhâm không vững cũng gây thành bệnh. Do vậy mà bệnh chứng thường thấy dưới dạng khí hư, âm hư, huyết hư, huyết nhiệt và huyết ứ mà thường biểu hiện các dấu hiệu riêng biệt của tùng loại như.
Khí hư: cơ thể suy yếu, lao mệt quá sức làm tổn thương trung khí, đồng thời khí hư bị mạch xung nhâm không vững, huyết không được sơ nhiếp mà gây ra tình trạng kinh nguyệt hết rồi lại có.
m hư: thường gặp ở những người lập gia đình sớm, sinh nở sớm làm cho âm huyết bị suy kiệt, lại sinh hoạt tình dục không điều độ làm ảnh hưởng đến thận tinh, cũng có thể do lớn tuổi hay ưu tư suy nghĩ nhiều làm hao tổn doanh huyết.
Huyết nhiệt: do cơ thể vốn dương thịnh, lại ăn nhiều thức cay, nóng làm táo nhiệt uất kết bên trong hoặc cảm nhiệt tà hay giận dữ khiến can hỏa động, hỏa nhiệt, làm tổn thương mạch xung, nhâm làm huyết bất thường sinh ra kinh khi hết khi có.
Huyết ứ: phụ nữ lớn tuổi vốn bị hư yếu, khí huyết vận hành không thoải mái lại kèm nội thương do tình chí gây nên, làm can khí bị uất kết, khí trệ huyết ngưng, làm ngưng lại ở mạch sung, nhâm, làm huyết đi không đúng mà sinh ra bệnh kinh nguyệt không mãn.
Để tham khảo và tùy hoàn cảnh có thể áp dụng, dưới đây xin nêu từng thể loại bệnh chứng kinh nguyệt không mãn để tiện việc chọn lựa sao cho thích hợp, an toàn, hiệu quả.
Các phương thức điều trị
Trị kinh không mãn do khí hư (biểu hiện kinh nguyệt lâu ngày không dứt, người mệt mỏi, hơi thở ngắn, không có sức, ăn kém, mạch nhược): dùng phương Bổ trung ích khí thang (Tế sinh phương) có tác dụng ích khí, kiện tỳ, cố nhiếp: gồm đảng sâm 16g, hoàng kỳ 20g, chích cam thảo 4g, thăng ma 4-6g, quy đầu 12g, sài hồ 6-10g, bạch truật 12g, trần bì 4-6g. Sắc uống ngày 1 thang, chia 2-3 lần.
Trị chứng do khí uất (biểu hiện kinh nguyệt không dứt, hay thở dài, dễ tức giận, hông sườn đau, mạch huyền): dùng phương Tiêu dao tán tác dụng sơ can, giải uất, cố nhiếp. Gồm sài hồ 12g, bạch truật 12g, bạch thược 12g, quy đầu 12g, trần bì 8g, chích cam thảo 6g, sinh khương 12g, bạch linh 12g, bạc hà 12g (bỏ sắc sau). Sắc uống ngày 1 thang, chia 2-3 lần trong ngày.
Trị chứng hư hàn (biểu hiện kinh nguyệt không dứt, sợ lạnh, tay chân lạnh, tiêu lỏng, mạch trầm trì): dùng phương
Tục đoạn hoàn (Phụ nhân đại toàn lương phương) có công hiệu ôn bào cung, tán hàn, cố nhiếp. Gồm tục đoạn 40g, quy đầu 40g, hoàng kỳ 40g, ô tặc cốt 40g, ngũ vị 40g, cam thảo 40g, long cốt 40g, xích thạch chi 40g, thục địa 40g, địa du 20g, ngải diệp 30g, phụ tử 30g, can khương 30g, xuyên khung 30g. Tất cả tán bột trộn với mật làm hoàn to bằng hạt ngô, mỗi lần uống 30 viên vào lúc đói chiêu với rượu hâm nóng. Ngày 2 lần.
Trị chứng do âm hư (biểu hiện tự nhiên tắt kinh khoảng 2 năm hay hơn, rồi lại thấy kinh ra nhiều, màu đỏ tươi, ngũ tâm phiền nhiệt, gò má đỏ, đêm ngủ không yên, họng khô, miệng khô, âm đạo khô sít hoặc nóng rát, đau; da hoặc bên ngoài âm hộ ngứa, tiêu táo, lưỡi đỏ ít rêu, mạch tế sác): dùng phương
Huyết dưỡng âm thang (Phụ khoa lâm sàng thủ sách) tác dụng tư âm, lương huyết, cố mạch xung, chỉ huyết. Gồm sinh địa 12-15g, đơn bì 12g, bạch thược 12g, huyền sâm 12g, hoàng bá 40g, nữ trinh tử 12g, hạn niên thảo 12g. Sắc uống ngày 1 thang, chia 2-3 lần.
Trị chứng do huyết nhiệt (biểu hiện tắt kinh khoảng 2 năm, sau thấy lại, sắc kinh đỏ sẫm, đới hạ nhiều, màu vàng có mùi hôi, lưỡi đắng, miệng khô, tiểu ít nước đỏ, táo bón, lưỡi đỏ, mạch huyền hoạt): dùng phương m tiễn (Y tông kim giám) phương có công hiệu thanh nhiệt, lương huyết, cố mạch xung, chỉ huyết. Gồm sinh địa 12g, tri mẫu 12g, hoàng bá 12g, qui bản 12g, xa nhân 3-6g, chích cam thảo 12-16g, mẫu lệ 12g, mao căn 30g, địa du 12-16g.
Trị chứng do huyết ứ (biểu hiện tắt kinh khoảng trên dưới 2 năm, sau thấy lại, máu màu đỏ tối, có cục, ra nhiều hoặc ít, đau bụng dưới tức hạ vị, đau khi ấn vào, hoặc trong bụng có khối u, lưỡi tím tối, mạch huyền sáp, có lực): dùng phương Đương quy hoàn (Thánh tế tổng lục) có công hiệu hoạt huyết, hóa ứ, cố mạch xung, chỉ huyết. Gồm quy đầu 12g, bạch thược 12g, ngô thù du 5g, đại hoàng 10g, can khương 12g, phụ tử 6g, tế tân 3g, đan bì 15g, xuyên khung 8g, thủy điệt (con đỉa) 3-6g, hậu phác 10-12g, đào nhân 12-6g, quế chi 4g.
BS. Hoàng Xuân Đại