Theo y học cổ truyền, đau thắt ngực thuộc phạm vi các chứng hung tý hoặc tâm thống. Bệnh do tổn thương ở 2 tạng tâm và tỳ. Tỳ dương vận hoá kém sinh ra đàm trọc. Đàm trọc, huyết ứ lâu ngày gây trở ngại cho tâm mạch. Tâm dương không thông suốt dễ sinh ra các chứng đau ngực, nhất là khi bị kích hoạt bởi hàn tà hoặc những nội thương thất tình như căng thẳng, lo âu, tức giận.
Triệu chứng: cơn đau thắt ngực thường xảy ra ở vùng ngực trái, phía sau xương ức. Người bệnh có cảm giác nặng ngực hoặc như bị bóp chặt lồng ngực. Cơn đau có thể lan lên vai trái, lên cằm hoặc chuyển xuống mặt trong cánh tay trái. Đôi khi, người bệnh có cảm giác như bị ngộp thở, mặt tím tái, người vã mồ hôi. Cơn đau thường kéo dài từ vài phút đến 15 phút. Người bệnh sẽ trở lại bình thường sau khi nghỉ ngơi, khi điều hoà được cảm xúc hoặc sau khi đã dùng thuốc giãn mạch. Nếu cơn đau xảy ra thường xuyên, cả khi người bệnh nghỉ ngơi hoặc đau không thuyên giảm khi đã dùng thuốc giãn mạch cần nghĩ đến nguy cơ nhồi máu cơ tim.
Tam thất |
* Nguyên tắc điều trị: chống co thắt, hoạt huyết thông mạnh. Mục đích là làm cho mạch vành được lưu thông, giảm cơn đau. Sau đây xin giới thiệu một số bài thuốc có tác dụng trị chứng đau thắt ngực.
Bài 1: đan sâm 20g, hà thủ ô 16g, hoàng kì 16g, xuyên khung 12g, đương quy 12g, cát căn 20g, liên nhục 16g, chích thảo 12g, đại táo 12g, hắc táo nhân 12g. Ngày 1 thang, sắc 3 lần, uống 3 lần. Công dụng: thư giãn, hoạt huyết, dưỡng tâm an thần.
Bài 2: đan sâm 16g, phòng sâm 16g, thục địa 12g, xuyên khung 12g, bạch thược 12g, hắc táo nhân 12g, viễn chí 12g, thổ phục linh 16g, kê huyết đằng 12g, tô mộc 20g, ích mẫu 16g, ngải diệp 16g. Ngày 1 thang, sắc 3 lần, uống 3 lần. Công dụng: hoạt huyết thông mạch, giảm đau an thần.
Bài 3: hoài sơn 16g, liên nhục 12g, ích mẫu 16g, biển đậu 12g, nga truật 12g, kê huyết đằng 12g, cát căn 16g, hương phụ (chế) 12g, trần bì 10g, đan sâm 16g, thảo quyết minh 16g, viễn chí 12g, đại táo 12g, cam thảo 12g. Ngày 1 thang, sắc 3 lần, uống 3 lần. Công dụng: dưỡng tâm, thông mạch, thư giãn cơ và hoạt huyết.
Bài 4: đinh lăng (dùng rễ) 20g, hoàng kì 16g, đan sâm 16g, tam thất 12g, ích mẫu 16g, thông thảo 4g, cát cánh 10g, đương quy 12g, xuyên khung 12g, bạch thược 12g, phục thần 10g, lạc tiên 16g, hắc táo nhân, viễn chí 12g, đại táo, cam thảo 12g, uất kim 10g, hồng hoa 4g. Ngày 1 thang, sắc 3 lần, uống 3 lần. Công dụng: giảm đau, an thần, chống xơ vữa, giảm mỡ máu.
Lưu ý:
- Để phòng bệnh, điều hết sức quan trọng là người bệnh cần xây dựng cho mình một lối sống hòa bình, thư thái, lạc quan. Tránh những chấn thương về tinh thần tình cảm, đúng như danh y Tuệ Tĩnh đã nói: "thanh tâm quả dục".
- Bệnh nhân không được lao động nặng, không được gắng sức, tập thể dục nhẹ nhàng, hợp với sức khỏe, hợp với tuổi tác.
- Ăn uống thanh đạm, giảm mỡ, tăng cường rau xanh và các loại đậu. Không hút thuốc lá, hạn chế bia rượu.
Lương y Trịnh Văn Sỹ